Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư – Ngữ văn 10 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Chu Văn Sơn

a. Tiểu sử

– Chu Văn Sơn (1962 – 2019), là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại.

– Quê ở Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

– Từng là giảng viên tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, ngoài ra còn là nhà văn, nhà lý luận, nhà phê bình văn học xuất sắc.

b. Sự nghiệp sáng tác

* Phong cách sáng tác:

– Say mê cái đẹp là bản năng trong hành trình tìm cảm hứng sáng tác của ông

– Là người có tư duy văn học rất mới, đầy nhạy cảm.

– Trong sáng tác, xuất phát từ quan điểm nhận thức về cái đẹp, say cái đẹp đến khát khao.

* Các tác phẩm chính:

Những tác phẩm nổi tiếng đã được xuất bản của ông gồm có:

Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử (2005).

Thơ – điệu hồn và cấu trúc (2007).

Tự tình cùng cái đẹp (2019).

1.1.2. Tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

a. Xuất xứ

Tác phẩm được in trong tập Thơ – điệu hồn và cấu trúc của Chu Văn Sơn.

b. Bố cục

– Phần 1: đoạn 1, 2, 3: dẫn dắt về cái hay của mùa thu trong thơ ca và nét đặc sắc trong bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

– Phần 2: đoạn 4, 5: tính hòa âm ngôn từ thể hiện trong âm điệu (đoạn 4+5), bố cục (đoạn 6) và vần nhịp (đoạn 7+8) của bài thơ

– Phần 3: đoạn 9, 10, 11: so sánh, liên hệ giữa âm thanh của mùa thu trong thơ Lưu Trọng Lư với âm thanh của mùa thu trong thơ Nguyễn Đình Thi

– Phần 4: đoạn 12, 13: tính hòa âm ngôn từ thể hiện trọng âm hưởng tiết tấu của bài thơ và những cảm xúc, nỗi xôn xao của tác giả khi đọc những ngôn từ thi vị và đẹp đẽ ấy.

1.2. Đọc hiểu văn bản 

1.2.1. Nét đặc sắc trong bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

– Tiếng thu không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xao xạc của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền.

– Tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.

– Yếu tố về âm điệu: bài thơ tựa như một ca khúc

– Khổ thơ, cấu trúc ngôn từ tự nó đã chia bài thơ thành ba phần nội dung tương ứng với ba câu hỏi.

– Sự lặp lại của vần và nhịp: Hiệp vần bằng cả hai hệ thống: vần bằng và vần trắc.

–> Trình tự của bài viết có sự đan xen không tách rời riêng biệt.

1.2.2. Sự khác biệt trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong thơ cổ và Thơ mới

– Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới so với thơ cổ điển là: Thơ xưa thiên nhiên tĩnh lặng, miên viễn. Yên bình, thanh vắng trở thành một đặc tính của vẻ đẹp thiên nhiên trong nghệ thuật cổ điển. Còn Thơ mới không như thế. Âm hưởng đặc trưng nhất vang lên từ đáy hồn thơ mới là tiếng xôn xao.

– Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt: Đó là các nhà Thơ mới không nhìn thiên nhiên bằng cái chiêm nghiệm, mà họ muốn vào dò la cái sự sống tiềm tàng chất chứa bên trong lòng tạo vật, khám phá sự sống bí mật đầy xôn xao trong lòng thiên nhiên.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

Văn bản thể hiện sự ngợi ca, trân trọng và ngưỡng mộ của tác giả Chu Văn Sơn với nhà thơ Lưu Trọng Lư, cho thấy sự yêu quý và tình cảm của ông đối với những người có tài, vận dụng được sức mạnh của ngôn từ trong sáng tác.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Văn bản trình bày các luận điểm rõ ràng, chi tiết, thuyết phục, có tính liên kết.

– Các luận điểm bổ sung và hỗ trợ cho nhau, có luận cứ và dẫn chứng đi kèm, tạo nên một hệ thống luận điểm logic, có sức thuyết phục cao.

– Giọng văn rành mạch, lưu loát, phù hợp với bài văn nghị luận nhưng vẫn ẩn chứa cảm xúc, truyền cảm hứng và có tác động mạnh mẽ tới người đọc.