1.1. Vai trò, ý nghĩa của tri thức lịch sử
a) Vai trò
– Giúp con người nhận thức về cội nguồn, bản sắc của bản thân, gia đình, cộng đồng, dân tộc.
– Giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa.
b) Ý nghĩa của tri thức lịch sử
– Để lại cho đời sau những bài học kinh nghiệm quý giá.
– Đúc rút và vận dụng những bài học lịch sử
– Nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, niềm tự hào và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh dân tộc.
– Khám phá, tiếp cận nhiều nền văn hóa, văn minh của nhân loại.
– Học sinh hiểu rõ quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
– Hiểu biết về lịch sử thế giới, văn hóa nhân loại, là cơ sở để học hỏi, giao lưu, hội nhập quốc tế.
– Lịch sử giúp hiểu rõ quá khứ, là cơ sở nhận thức hiện tại và dự báo tương lai.
1.2. Học tập và khám phá lịch sử suốt đời
a) Sự cần thiết của việc học tập, khám phá lịch sử suốt đời
– Kho tàng tri thức lịch sử của nhân loại rất phong phú, rộng lớn và đa dạng. Tri thức lịch sử thu nhận ở nhà trường chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng ấy.
– Tri thức lịch sử gắn liền với các nguồn sử liệu, các môn khoa học liên ngành, phương pháp nghiên cứu, năng lực nhận thức, bài học kinh nghiệm,… Muốn hiểu đúng và đầy đủ về lịch sử là một quá trình lâu dài.
– Trong thời đại ngày nay, những thay đổi, phát hiện mới trong khoa học lịch sử ngày càng nhiều, quan điểm, nhận thức về lịch sử cũng có nhiều chuyển biến mới.
– Học tập, tìm hiểu, khám phá lịch sử suốt đời là điều kiện quan trọng giúp mỗi người cập nhật và mở rộng tri thức, phát triển và hoàn thiện kĩ năng. Qua đó, con người có khả năng tự tin ứng phó với những biến đổi ngày càng gia tăng của đời sống để nắm bắt tốt các cơ hội nghề nghiệp, việc làm, đời sống,…
– Khoa học lịch sử là một trong những ngành khoa học ra đời sớm của nhân loại và luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, việc nghiên cứu và học tập lịch sử vì thế phải được duy trì thường xuyên, liên tục.
b) Thu thập thông tin, sử liệu, làm giàu tri thức lịch sử
Thu thập và xử lí tư liệu là những hoạt động quan trọng trong quá trình học tập, tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử. Vì vậy, muốn tái hiện bức tranh lịch sử đầy đủ, chính xác, cần tìm kiếm các nguồn sử liệu, bao gồm sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp. Dùng các nguồn thông tin, sử liệu thu thập được để khôi phục, giải thích, đánh giá sự kiện lịch sử, từ đó có những phát hiện mới làm giàu tri thức cho nhân loại.
Quy trình thu thập, xử lí thông tin tái hiện tri thức lịch sử
– Tri thức lịch sử có hai dạng tồn tại:
+ Những tri thức đã được hiểu biết, nhận thức: thường được thể hiện cụ thể (dưới dạng văn bản, tài liệu, tác phẩm sử học, kết quả nghiên cứu,…), để lại cho đời sau, được tiếp nhận qua hệ thống giáo dục.
+ Những tri thức thu được từ sự trải nghiệm thực tế: thường ẩn chứa trong mỗi cá nhân (dưới dạng niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, bí quyết, kĩ năng,..). Những tri thức này được truyền lại qua sách vở, qua học tập hoặc là bí kíp gia truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thành kinh nghiệm lịch sử, kĩ năng giúp đời sau tiếp thu và phát triển.
– Hiện thực lịch sử tồn tại độc lập với ý thức của con người. Để hiểu biết sự thật lịch sử, về phương pháp đòi hỏi phải bắt đầu từ sử liệu, dùng sử liệu để khôi phục sự mới giải thích và đánh giá sự kiện.
Mộc bản triều Nguyễn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt)
c) Kết nối tri thức, bài học lịch sử vào cuộc sống
– Lịch sử cung cấp cho con người những kinh nghiệm quý báu của người xưa trong cuộc sống, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Lịch sử cho biết về những giá trị truyền thống và văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc.
– Bảo tàng là nơi lưu giữ tập trung nhất các nguồn sử liệu của hiện thực lịch sử.
Học sinh học tập tại bảo tàng Lịch Sử Quốc gia (Hà Nội)