1.1. Lực hút và lực đẩy giữa các điện tích
1.1.1. Điện tích
– Vật bị nhiễm điện còn được gọi là vật mang điện hoặc vật tích điện.
– Có hai loại điện tích, một loại được gọi là điện tích dương, một loại là điện tích âm.
– Các vật tích điện có thể có kích thước khác nhau. Ta gọi một vật tích điện có kích thước rất nhỏ so với khoảng cách đến điểm đang xét là một điện tích điểm.
1.1.2. Tương tác giữa các điện tích
– Sự hút hoặc đẩy giữa các điện tích được gọi là sự tương tác điện.
– Các điện tích trái dấu thì hút nhau, các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau.
– Ngoài hiện tượng nhiễm điện do ma sát thì chúng ta còn thấy có hiện tượng nhiễm điện do hưởng ứng: các vật đã tích điện có thể hút các vật chưa tích điện, vật chưa tích điện ban đầu trung hoà về điện, khi đưa một vật khác đã tích điện âm (hoặc dương) lại gần một đầu của vật chưa tích điện thì điện tích dương (hoặc âm) bị đẩy về phía của vật tích điện nên vật chưa tích điện bị hút về phía của vật tích điện. Khi lấy vật tích điện đi thì vật chưa tích điện lại trở về trạng thái trung hoà điện.
Hình 1.1. Thanh nhựa tích điện hút thanh đồng
1.2. Định luật Coulomb (Cu-lông)
1.2.1. Lực tương tác giữa các điện tích đặt trong chân không
– Nội dung định luật: Lực hút hoặc đẩy giữa hai điện tích điểm đặt trong chân không có phương trùng với đường thẳng nối hai điện tích điểm đó, có độ lớn tỉ lệ thuận với tích độ lớn của hai điện tích và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng.
\(F = k\frac{{|{q_1}{q_2}|}}{{{r^2}}}\)
Trong đó:
– F được đo bằng đơn vị niuton (N)
– r là khoảng cách được đo bằng đơn vị mét (m)
– q1 và q2 là điện tích được đo bằng đơn vị culông (C)
– \({\varepsilon _0} = 8,{85.10^{ – 12}}\frac{{{C^2}}}{{N.{m^2}}}\) là hằng số điện môi
– k là hệ số, \(k = \frac{1}{{4\pi {\varepsilon _0}}} = {9.10^9}\frac{{N.{m^2}}}{{{C^2}}}\)
1.2.2. Lực tương tác giữa hai điện tích đặt trong điện môi (chất cách điện)
Biểu thức định luật Coulomb: Khi đặt các điện tích điểm trong một điện môi đồng tính thì lực tương tác điện giữa chúng giảm đi ε lần so với khi đặt chúng trong chân không. Đại lượng ε được gọi là hằng số điện môi của môi trường.
\(F = k\frac{{\left| {{q_1}{q_2}} \right|}}{{\varepsilon {r^2}}}\)
1.3. Ví dụ áp dụng định luật Coulomb
Cho hai điện tích điểm, mỗi điện tích có độ lớn q= 1,0.10-9C, được đặt cách nhau 4,0 cm trong chân không. Tính và biểu diễn bằng hình vẽ lực diện tương tác giữa hai điện tích này.
Lời giải
Hình 1.2
Độ lớn của lực
\(F = k\frac{{\left| {{q_1}{q_2}} \right|}}{{\varepsilon {r^2}}}\)
Thay số, với q1 = q2 = 1,0.10-9 C; r=4,0 cm
ta được F=5,6.10-6 N
Phương và chiều của lực
Phương trùng với đường thẳng nối hai điện tích, chiều như Hình 1.2.
• Các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, các điện tích trái dấu thì hút nhau. • Lực hút hoặc đẩy giữa hai điện tích điểm đặt trong chân không có phương trùng với đường thẳng nối hai điện tích điểm đó, có độ lớn tỉ lệ thuận với tích độ lớn của hai điện tích và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. \(F = k\frac{{|{q_1}{q_2}|}}{{{r^2}}}\); \(k = {9.10^9}\frac{{N.{m^2}}}{{{C^2}}}\) • Đơn vị đo điện tích là culông (C). |