1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
– Trái tim Đan-kô: Văn bản kể về người anh hùng Đan-kô: một thủ lĩnh can đảm, yêu tự do, giàu lòng vị tha, yêu thương mọi người nhưng phải chịu nhiều tổn thương. Cuối cùng Đan-kô đã chết nhưng trái tim nhân ái của ông vẫn rực cháy.
– Tầng hai – Phong Điệp: Tác phẩm là một tác phẩm kể xoay quanh nhân vật Phan, và câu chuyện kể về lối sống của các thành viên trong một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết lý cuộc sống.
– Một người Hà Nội – Nguyễn Khải: Tác phẩm đã khắc hoạ vẻ đẹp của người Hà Nội qua nhân vât cô Hiền, đồng thời thể hiện sự trân trọng và tình yêu tha thiết đối với Hà Nội.
– Đây mùa thu tới – Xuân Diệu: Bài thơ là một bức tranh thu với những biến thái tinh vi nhất, những rung cảm sâu xa của lòng người trong thời khắc chuyển mùa.
– Sông Đáy – Nguyễn Quang Thiều: Bài thơ kể về tâm trạng của một đứa con trở về quê hương và gặp lại con sông Đáy, nơi tạo nên ký ức tuổi thơ và những hình ảnh đẹp của người mẹ. Những nỗi buồn da diết đó được thể hiện qua từng hình ảnh thơ khi tác giả nhớ về.
– Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử: Bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, thể hiện nỗi buồn cô đơn của Hàn Mặc Tử trong mối tình xa xăm, vô vọng. Đó còn là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
– Tình ca ban mai – Chế Lan Viên: Bài thơ khắc họa nổi bật là những giai điệu vui tươi, ngọt ngào của bản tình ca về tình yêu, những âm điệu du dương, nhẹ nhàng và đằm thắm, đó là tình yêu của tuổi trẻ đầy rực rỡ, nồng cháy của một trái tim yêu thương, tha thiết và tin tưởng vào tình yêu của mình.
– Thương nhớ mùa xuân – Vũ Bằng: Vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc sống, phong tục… miền Bắc khi xuân đến qua tình yêu, nỗi nhớ của tác giả. Qua đó thể hiện triết lí nhân sinh: Triết lí về tình yêu quê hương.
– Vào chùa gặp lại – Minh Chuyên: Qua truyện ngắn, nhà văn ngợi ca tính cách kiên cường, phẩm chất tốt đẹp giàu lòng vị tha, đức hi sinh, nhân hâu của người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh.
– Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tác phẩm là hình ảnh của dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình đầy chất thơ khi ở thượng nguồn đến khi về với thành phố Huế. Vẻ đẹp của sông Hương hiện lên với từng bước đi trong cuộc hành trình trở về với xứ Huế thơ mộng. Và trong mỗi bước đi ấy, sông Hương như thay đổi, từ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại trở thành một bà mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở, dịu dàng e ấp bên xứ Huế trữ tình.
– Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài: Đoạn trích đặt ra vấn dề sâu sắc có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả cũng bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với người nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng rơi vào bi kịch.
– Thề nguyền và vĩnh biệt: Tác phẩm khẳng định tình yêu trong sáng và chân thành của hai nhân vật chính, đồng thờ ca ngợi tình yêu con người là một nội dung của chủ nghĩa nhân văn.
– Tôi muốn được là tôi toàn vẹn: Tác phẩm đã phản ánh cuộc đấu tranh để vượt lên, chiến thắng cái xấu, bảo vệ nhân cách; phản ánh cuộc đấu tranh muôn đời giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn.
– Tôi có một giấc mơ: Văn bản là lời kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
– Một thời đại trong thi ca: Nhận thức tinh tế, sâu sắc về tinh thần thơ mới, động lực thúc đẩy sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại.
– Lại đọc Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân: Tác phẩm đã làm sáng tỏ điểm đặc sắc về giá trị nội dung của truyện ngắn Chữ người tử tù.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
* Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ:
– Hiện tượng điều trật tự từ ngữ.
– Hiện tượng mở rộng khả năng kết hợp của từ.
– Hiện tượng tách biệt.
* Biện pháp nhân hoá:
– Nhân hoá là biện pháp tu từ để chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ,…vốn chỉ được dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, cây cối,…
– Làm cho thế giới loài vật, đồ vật, cây cối,… trở nên gần gũi với con người.
– Biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
* Biện pháp so sánh:
– So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
– Tác dụng gợi hình, giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể sinh động.
– Tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.
* Cách giải thích nghĩa của từ:
– Giải thích bằng cách nêu khái niệm mà từ biểu thị.
– Giải thích trực quan.
– Giải thích bằng cách đặt từ cần giải thích vào trong một câu cụ thể nhằm xác lập ngữ cảnh sử dụng.
– Giải thích bằng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
– Giải thích bằng cách giải nghĩa các thành tố tạo nên từ đó.
* Cách trình bày tài liệu tham khảo trong một báo cáo nghiên cứu
– Người viết báo cáo nghiên cứu cần thông tin đầy đủ về các tài liệu mà mình đã tham khảo để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả những tài liệu đó, đồng thời giúp cho nội dung báo cáo thêm thuyết phục.
– Tài liệu tham khảo thường được lập thành danh sách (danh mục), đặt ở cuối báo cáo; sắp xếp họ tên tác giả (hoặc tên tài liệu) theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái.
– Thông tin về mỗi tài liệu tham khảo gồm có: tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu, nhà xuất bản, địa điểm xuất bản. Nếu tài liệu tham khảo là bài báo thì cần nêu thêm tên tạp chí và số của các trang có bài báo.
* Một số kiểu lỗi về thành phần câu:
– Thiếu thành phần câu.
– Không phân định rõ các thành phần câu.
– Sắp xếp sai trật tự thành phần câu.