Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Tôi muốn được là tôi toàn vẹn – Ngữ văn 11 Tập 2 Cánh Diều

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Lưu Quang Vũ

Tiểu sử: Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), tại Phú  Thọ trong một gia đình trí thức, cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận

Sự nghiệp văn học: Là một nghệ sĩ đa tài: vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, kịch … Từ 1980, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu trở thành nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Phong cách nghệ thuật:  Sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, bay bổng.

Nhà văn Lưu Quang Vũ

Nhà văn Lưu Quang Vũ (1948 – 1988)

1.1.2. Tác phẩm

a. Thể loại: Tác phẩm thuộc thể loại bi kịch.

 

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

– Viết 1981, được công diễn 1984

– Vở kịch được hư cấu một cách sáng tạo từ một cốt truyện  dân gian với nhiều sáng tạo.

 

c. Bố cục: 

Phần 1: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt.

Phần 2: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và người thân.

Phần 3: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích.

Phần 4: Màn kết.

 

d. Tóm tắt tác phẩm:

“Tôi muốn được là tôi vẹn toàn” là một tác phẩm văn học vô cùng ý nghĩa của Lưu Quang Vũ. Truyện kể về cuộc đấu tranh giữa hồn và xác của Trương Ba, người bị Nam Tào giết oan. Sau khi hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết không lâu, bi kịch đã mở ra. Hồn Trương Ba tưởng rằng bản thân vẫn còn trong sạch và thuần khiết, trong khi đó cái xác anh hàng thịt lại phản bác và cả hai đã tranh cãi với nhau. Trương Ba muốn được sống trọn vẹn và đúng với bản thân, trong khi đó Đế Thích chỉ nghĩ đơn giản là cho Trương Ba sống lại. Cuối cùng, Trương Ba đã từ chối lời đề nghị của Đế Thích và yêu cầu cho cu Tị được sống lại thay vì mình. Tác phẩm đã gửi gắm cho độc giả thông điệp rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta sống đúng với chính mình, được tự do làm điều mình muốn và đam mê, và sống trọn vẹn với những giá trị và tài năng tốt đẹp của mình.

1.2. Đọc hiểu văn bản 

1.2.1. Vai trò của các chỉ dẫn sân khấu

– Với Hồn Trương Ba: ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy; bịt tai lại; như tuyệt vọng; một mìn…khắc họa tâm trạng đau khổ, dằn vặt có phần bất lực của Trương Ba.

– Với Xác hàng thịt: lắc đầu; an ủi….thể hiện thái độ tự tin.

Một cảnh trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Một cảnh trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

1.2.2. Xung đột trong Hồn Trương Ba qua cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt

Hồn Trương Ba: đại diện cho tâm hồn của con người.

Xác anh hàng thịt: đại diện cho thể xác của con người.

Màn đối thoại giữa Hồn và Xác:

Ý nghĩa: Sự thay đổi trong thái độ của Trương Ba cho thấy bi kịch của nhân vật, sự đấu tranh giữa hai mặt thể xác và tâm hồn.

+ Phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt quyết liệt, sự giằng xé trong nội tâm ông Trương Ba.

+ Đó là quá trình nhân vật tự đấu tranh với chính mình để thanh lọc tâm hồn, tìm lại chính mình.

+ Là quá trình tự nhận thức đau đớn, nhức nhối nhưng cũng vô cùng trung thực và dũng cảm.

1.2.3. Sự khác biệt đến mức đối lập về quan điểm giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích

Lời thoại:

Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn có ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông.

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?

Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.

Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?

Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hoà thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn… còn chị vợ anh ta nữa… chị ta thật đáng thương!

Hồn Trương Ba:Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!

Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.

Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…

Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được…

Ý nghĩa của màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích:

– Sự sống đáng quý nhưng không thể sống bằng bất cứ giá nào.

– Sự sống chỉ có ý nghĩa và con người chỉ thấy thanh thản khi sống là chính mình, hài hòa giữa bên ngoài và bên trong.

– Mọi sự chắp vá, gượng ép chỉ khiến Trương Ba trở thành nhân vật quái gở mang tên “hồn Trương Ba da hàng thịt”, đem lại đau khổ cho bản thân và người xung quanh.

* Vai trò của sự đối lập giữa các quan điểm trong việc xây dựng xung đột kịch: tạo kịch tính, xung đột đẩy lên cao trào.

1.2.4. Cái chết của ông Trương Ba

Làm nổi bật xung đột, mâu thuẫn gay gắt trong nội tâm nhân vật Trương Ba: trong cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác giữa nhân cách đạo đức, và bản năng, dục vọng; giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác trong chính nhân vật Trương Ba và rộng hơn là ngoài xã hội và cuộc đời.

Làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của Trương Ba: nhân vật trong bi kịch thường có những phẩm chất và năng lực vượt trội. Ông Trương Ba cũng là người như vậy, ông có nhân cách cao đẹp, linh hồn cao khiết,  có lòng tự trọng, tự tôn, nhân ái và dũng cảm, dám chấp nhận cái chết để bảo vệ nhân cách.

Làm nổi bật bi kịch của Trương Ba: cuộc đời đôi khi đầy oan trái, để giữ vững nhân cách, sống tử tế với danh xưng con người, người ta bắt buộc phải chết.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

– Phản ánh cuộc đấu tranh để vượt lên, chiến thắng cái xấu, bảo vệ nhân cách; phản ánh cuộc đấu tranh muôn đời giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn.

– Phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội đương thời.

– Đem đến nhiều bài học nhân sinh.

– Giàu giá trị nhân văn, giá trị hiện thực, tính thời sự nóng bỏng.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Nghệ thuật xây dựng tình huống, mâu thuẫn xung đột đặc sắc.

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật tài hoa: tính cách nhân vật được đặc tả qua hành động, thái độ, suy nghĩ, tình cảm….

– Ngôn ngữ kịch hiện đại, giàu hơi thở cuộc sống, sử dụng thành công và linh hoạt ngôn ngữ sinh hoạt.

– Kết hợp tài hoa yếu tố truyền thống và hiện đại (cốt truyện, kiểu nhân vật, tư tưởng, quan niệm, ngôn ngữ…).