Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn – Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Trần Quốc Tuấn

a. Tiểu sử cuộc đời

Bức họa chân dung Hưng Đạo đại vương – Trần Quốc Tuấn

– Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần.

– Trần Quốc Tuấn được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

– Trần Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300. Ông còn để lại các tác phẩm kinh điển như Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần đến ngày nay.

b. Tác phẩm tiêu biểu

Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Bài văn hịch hiểu dụ các tỳ tướng, quen gọi là Hịch tướng sĩ).

Binh gia diệu lý yếu lược (Tóm lược chỗ cốt yếu trong nguyên lý kỳ diệu của nhà binh, còn gọi là Binh thư yếu lược)

Vạn Kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp) nhưng văn bản đã thất lạc, chỉ còn lại bài Tựa của tướng Trần Khánh Dư đề ở đầu sách, được Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VI) ghi lại.

c. Những đóng góp lớn

– Dưới sự lãnh đạo của các vua Trần và Hưng Đạo vương, quân đội Đại Việt đã hai lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên hùng mạnh, giành thắng lợi. Chiến thắng của ông và quân dân nước Việt đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên – Mông trong lịch sử.

– Là một người có tài dụng người, dụng binh thao lược. Nhân dân Việt Nam vô cùng kính trọng ông và tôn ông là vị anh hùng dân tộc có công trạng lớn vào hàng bậc nhất đối với tổ quốc.

– Tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo, là một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân.

1.1.2. Tác phẩm Hịch tướng sĩ

a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

– Tác phẩm được công bố vào tháng 9. 1284 tại cuộc duyệt binh ở bế Đông Bộ Đầu (Thăng Long) trước cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ 2.

b. Thể loại

– Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua, chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, hoặc cũng có khi được dùng để hiểu dụ, răn dạy thần dân và người dưới quyền.

c. Bố cục 

Văn bản được chia làm 4 phần:

– Phần 1: Từ đầu đến lưu tiếng tốt: Nêu gương sáng trong sách sử.

– Phần 2: Tiếp theo đến cũng vui lòng: Tố cáo sự ngang ngược của kẻ thù và nói lên lòng căm thù giặc

– Phần 3: Tiếp theo đến có được không?: Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai.

– Phần 4: Còn lại: Nhiệm vụ cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu.

1.2. Đọc hiểu văn bản 

1.2.1. Nêu gương sáng trong sách sử

– Tướng: “Kỉ Tín, Do Vũ, Cảo Khanh, Kính Đức, Vương Công Kiên, Cốt Đãi Ngột Lang”.

– Quan nhỏ: “Thân Khoái”.

– Gia thần: “Dự Nhượng”.

⇒ Lòng trung quân ái quốc, như một luận cứ làm cơ sở cho lập luận.

1.2.2. Tố cáo sự ngang ngược của kẻ thù và nói lên lòng căm thù giặc

– Sứ giặc đi lại nghênh ngang

– Uốn lưỡi cú diều sỉ mắng

– Đem thân dê chó bắt nạt

– Đòi ngọc lụa, thỏa lòng tham

– Thu bạc vàng, để vét của kho

→ Nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa vạch trần bản chất tham lam, tàn bạo, hống hách của giặc.

– Thật khác nào:

+ Đem thịt mà nuôi hổ đói.

+ Sao cho khỏi tai vạ về sau.

→ Khích lệ lòng căm thù giặc và khơi gợi nỗi nhục mất nước.

– Tâm sự của vị Quốc công tiết chế:

+ Ta thường tới bữa quên ăn

+ Nửa đêm vỗ gối

+ Ruột đau như cắt

+ Nước mắt đầm đìa

→ Nhịp dồn dập, ngắn gọn, ngôn ngữ từ ước lệ giàu hình ảnh có giá trị biểu cảm.

– Thành ngữ: “Xả thịt lột da… nuốt gan uống máu”

– Trăm thân.. .phơi ngoài nội cỏ.

– Nghìn xác… gói trong da ngựa.

→ Nghệ thuật phóng đại, điểm cố, văn biền ngẫu.

→ Lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.

1.2.3. Phân tích phải trái – làm rõ đúng sai

– Nhắc đến mối thân tình giữa chủ và tướng

+ Các ngươi không có mặc – thì ta cho áo.

+ Không có ăn – thì ta cho cơm.

+ Quan nhỏ – thì ta thăng chức.

+ Lương ít – thì ta cấp bổng.

+ Đi thủy – thì ta cho thuyền.

+ Đi bộ – thì ta cho ngựa

+ Cùng sống chết – cùng vui cười.

– Câu văn biền ngẫu nhiều ý, hai vế song hành, điệp cấu trúc câu. Cách đối xử chu đáo, hậu hĩnh, tạo mối quan hệ gắn bó khăng khít.

→ Nhắc nhở, khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của bề tôi đối với vua, tình cốt nhục như huynh đệ.

– Phê phán những biểu hiện sai trái:

+ Tình cảnh đất nước thấy chủ nhục – mà không biết lo.

+ Thấy nước nhục – mà không biết thẹn.

+ Hầu quân giặc – mà không biết tức.

+ Nghe nhạc – không biết căm

+ Chỉ biết đâm đầu vào thứ trò chơi vô bổ chọi gà, đánh bạc, săn bắn, uống rượu,…

+ Thú vui ruộng vườn, quyến luyến,…

– Phê phán thái độ bàng quan thờ ơ, ăn chơi nhàn rỗi, chỉ lo vun vén cá nhân.

→ Quên hết danh dự, bổn phận, mất cảnh giác, lối sống cầu an hưởng lạc cần phải phê phán.

– Hậu quả và thảm hại tất yếu

+ Nếu ham chơi cựa gà trống – áo giáp giặc.

+ Mẹo cờ bạc – mưu lược nhà binh

+ Ruộng lắm – việc quân cơ.

+ Tiền của nhiều – không mua được.

+ Chén rượu ngon – giặc say chết.

+ Tiếng hát hay – giặc điếc tai.

– Nước mất, nhà tan, bị bắt làm tù binh, bị mất tất cả, chịu khổ nhục, tiếng dơ muôn đời.

→ Cảnh báo bức tranh thảm họa, nỗi đau đớn nhục nhã của cảnh nước mất, thân làm nô lệ.

1.2.4. Nhiệm vụ cấp bách cần làm

– Lời kêu gọi – cũng là mệnh lệnh.

+ Học tập binh thư yếu lược.

+ Vạch ra hai con đường sống – chết, vinh – nhục.

+ Để tướng sĩ thấy rõ và chỉ có thể lựa chọn một con đường: địch hoặc ta.

→ Lập luận sắc bén, rõ ràng, thái độ cương quyết. Bày tỏ gan ruột của một chủ tướng yêu nước.

– Hậu quả

+ Thái ấp vững bền, bổng lộc được hưởng thụ.

+ Gia quyến êm ấm, vợ con bách niên giai lão.

+ Tổ tiên được tế lễ, thờ cúng.

+ Trăm năm sau còn lưu tiếng thơm.

– Bức tranh cảnh đất nước được thái bình.

– Khích lệ, động viên đến mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của tướng sĩ.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

– Tác phẩm phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước của Trần Quốc Tuấn và dân tộc.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Lập luận sắc bén, lí lẽ, dẫn chứng xác thực, đầy thuyết phục, giọng văn hùng tráng, câu văn biền ngẫu.

– Kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và văn chương.